Việt Nam gần như chính thức đón nhận làn sóng Covid-19 mới khi liên tiếp Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã dính virus và còn là chủng (biến thể) mới.

Nhiều chủng virus mới làm mất hiệu lực kháng thể trung hoà

Về bản chất SARS-CoV-2 là 1 mRNA virus, sau khi vào cơ thể người chúng sẽ sử dụng 1 vài men (protein/enzymes) của người để tự sao chép, nhân lên và vì không có hệ thống sửa chữa như người nên chúng rất dễ bị đột biến để tạo nên chủng mới. Đây cũng là đặc điểm đấu tranh sinh tồn chung của virus, vì nếu chỉ có 1 chủng/biến thể, hệ miễn dịch sẽ nhanh chóng ‘học’ được và tạo ra kháng thể tấn công và tiêu diệt biến thể nhanh chóng. 

Từ lúc bắt đầu dịch đã có hơn 16 triệu ca nhiễm, tức virus đã trải qua quá trình sao chép hàng tỉ tỉ lần, thế nên sẽ có rất nhiều chủng mới được tạo ra. Tuy bản chất chúng cũng là virus SARS-CoV-2, chỉ có một vài khác biệt có thể làm tăng tính lây lan, khả năng nhân lên…

Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 5/2020 của WHO, có khoảng 5800 biến thể của virus SARS-CoV-2, với gần 99 chủng của loại virus này đã được xác định trên thế giới. Chủng đang hoành hành ở Âu Mỹ là D614G, chủng này đáng quan tâm nhất vì đây là chủng có thay đổi một amino acid (từ Aspartate D thành Glycine G 614) tại Protein gai nhọn (Spike protein), là chìa khoá để virus bám vào tế bào người và xâm nhập.

Việc giải trình tự RNA và protein không mất thời gian và không phải thử thách với công nghệ sinh học tại Việt Nam hiện nay, nhưng cấu trúc protein bậc 3 có khi hơi khó; nhưng nhiều khả năng chủng mới ở Việt Nam là một chủng hoàn toàn khác so với D614G vì đơn giản là D614G thì đâu còn gì ‘mới’ nữa. Tuy nhiên, theo Hội truyền nhiễm Việt Nam, chủng mới này có khả năng lây lan mạnh nhưng độc lực không tăng.

Những ảnh hưởng mà chủng mới gây ra là gì?

Đột biến của virus có thể làm kháng thể bị bất hoạt.

Trong một thực nghiệm được xuất bản (preprint) gần đây cho thấy: các protein gai có đột biến thì cho phép virus tránh được sự nhận diện bởi các kháng thể tự nhiên, điều này làm phương pháp điều trị bằng cách dùng kháng thể sẵn có từ người vừa lành bệnh trở nên yếu hơn. Tuy nhiên, khi kết hợp nhiều loại kháng thể tự nhiên, mỗi loại nhận ra một phần khác nhau của protein gai, có thể trung hoà virus với đột biến.

Và các dạng đột biến thế này cũng không ảnh hưởng đến khả năng tạo vaccine và ứng dụng của vaccine có thể bị ảnh hưởng nhất bởi thay đổi thứ 2 sau đây.

Fading antibodies (kháng thể diệt virus biến mất nhanh chóng).

Một vấn đề khác được chỉ ra trong một số nghiên cứu trên tạp chí Nature và NEJM là sự giảm nhanh của nồng độ kháng thể trong huyết thanh ở các bệnh nhân nhiễm SAR-CoV-2 (3). Trong đó, nồng độ kháng thể của các bệnh nhân nhiễm SAR-CoV-2 (chủ yếu là bệnh nhân ở mức độ nhẹ) được theo dõi trong khoảng 90 ngày. Kết quả cho thấy, nồng độ kháng thể ở các bệnh nhân nặng cao hơn. 

Tuy nhiên, ở đa số các trường hợp, nồng độ kháng thể bắt đầu giảm sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 1 tháng, đôi khi xuống dưới mức có thể phát hiện được. Điều này đặt ra một số nghi vấn trong việc áp dụng xét nghiệm huyết thanh diện rộng, đánh giá khả năng tái nhiễm và tính hiệu quả lâu dài của vaccine.

Vậy liệu rằng vaccine có thể giúp chúng ta chống lại SAR-CoV-2?

Câu trả lời là: có ảnh hưởng nhưng không đáng lo.

Kháng thể chỉ là một phần của hệ miễn dịch. Đối với virus xâm nhập tế bào thì đề kháng từ tế bào T đóng vai trò quan trọng. Sự giảm nồng độ kháng thể có thể cho thấy sự giảm khả năng miễn dịch của tế bào B chuyên tạo kháng thể sau 1 vài tuần, nhưng không có nghĩa rằng điều tương tự sẽ xảy ra với tế bào T hoặc tế bào B trí nhớ (bản chất vốn ẩn nấp để chờ lần thâm nhập sau).

Một nghiên cứu trên tạp chí Nature chỉ ra rằng trong 23 bệnh nhân đã khỏi SARS-CoV-1 (SARS) vẫn tồn tại các tế bào T phản ứng với virus sau 15 năm kể từ khi xảy ra dịch SARS (4). Hơn nữa, ở một số bệnh nhân nhiễm SAR-CoV-2 dù không phát hiện được kháng thể nhưng vẫn duy trì khả năng miễn dịch của tế bào T hay nhiều trường hợp bệnh nhân thiếu hụt tế bào B vẫn hồi phục hoàn toàn sau khi mắc SARS-CoV-2.

Ngoài ra, bản chất vaccine là giúp cơ thể tạo ra đáp ứng miễn dịch và kháng thể nhanh, mạnh và đặc hiệu hơn, đặc biệt là sau nhiều lần tiếp xúc. Dù virus có 1 vài đột biến chúng cũng không ảnh hưởng vì có 1 vài trình tự rất quan trọng mà virus không thể biến đổi hoàn toàn được và vaccine sẽ được thiết kế để tấn công vào các trình tự (epitopes) này của virus.

Hai nghiên cứu mới nhất được xuất bản trên NEJM vào 28 và 29/07 cho thấy vaccine mRNA-1273 có khả năng tăng cường đáp ứng miễn dịch mạnh khi tiêm vào người tình nguyện (pha I) và khỉ macaque, loại bỏ virus khỏi tất cả mẫu hầu họng và cuống phổi, đáp ứng mạnh hơn sau lần tiêm thứ 2 và kéo dài gần 60 ngày.

Ca bệnh COVID-19 nặng với đặc điểm miễn dịch đặc trưng

Benjamin Terrier và cộng sự đã tiến hành phân tích mẫu máu trên 50 ca nhiễm SARS-CoV-2 với mức độ nặng khác nhau cho thấy trên những trường hợp nặng số lượng interferon loại I giảm và tăng phản ứng viêm hơn so với những người có triệu chứng trung bình và nhẹ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra nồng độ interferon giảm như một dấu hiệu trước khi bệnh nhân cần nhập khoa ICU. Do đó, giảm nồng độ interferon trong máu có thể được xem là một dấu hiệu đặc trưng cho ca bệnh COVID-19 mức độ nặng và phương pháp điều trị chống viêm và tăng nồng độ interferon có thể hỗ trợ bệnh nhân.

Ca bệnh COVID-19 nặng có thể sản xuất ra các kháng thể mạnh

Các nhà nghiên cứu tại trường Columbia University, NY đã phân lập 61 kháng thể trung hòa, đơn dòng từ 5 bệnh nhân COVID-19 nặng. Trong đó, 19 kháng thể cho thấy đạt hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiễm SAR-CoV-2 xâm nhập vào tế bào.

Nghiên cứu sử dụng kháng thể ở liều thấp đã có thể bảo vệ chuột đồng vàng Syria khỏi nhiễm SARS-CoV-2. Đồng thời, 19 kháng thể này gắn lên một loạt vị trí trên protein gai nhọn của virus corona, có thể giảm khả năng đột biến của virus, 1 lần nữa khẳng định chiến thuật dùng nhiều kháng thể tấn công nhiều vị trí của virus đem lại hiệu quả.

Chó, mèo vật nuôi cũng nhiễm Covid-19?

Một nghiên cứu tại vùng phía nam Italia (bị ảnh hưởng nghiêm trọng với Covid-19) phát hiện kháng thể chống SARS-CoV-2 trong máu của 3% chó và 4% mèo. Điều này cho thấy vật nuôi cũng bị nhiễm. Tuy nhiên theo CDC, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy vật nuôi có vai trò trong việc lây truyền Covid-19 (8, 9).

Để ngăn ngừa lây nhiễm chúng ta có lẽ nên quan tâm nhiều hơn tới việc thắt chặt cách ly, khai báo y tế và ngăn ngừa ‘nhập người’ lậu.

Theo Báo Dân sinh

Leave a comment

Chúng tôi mong muốn trở thành “người bạn thân thiết”, đồng hành cùng cộng đồng trong việc mang đến những giải pháp nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh Và đây cũng chính là lý do GLC ra đời, hy vọng GLC sẽ là nơi mang đến cho cộng đồng những kiến thức về sức khỏe và dinh dưỡng cùng những sản phẩm có chất lượng cao, môi trường sinh hoạt cộng đồng lành mạnh thông qua các tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe, y tế cộng đồng, y tế dự phòng, dinh dưỡng, thể chất, tinh thần.

“Hãy cùng nhau chung tay vì một cộng đồng khỏe mạnh"

TRỤ SỞ TP.HỒ CHÍ MINH
98 Lâm Văn Bền, Phường Tân Kiểng, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh.
Tel: 08.3820 1170 - Fax: 08.3820 1106
TRỤ SỞ HÀ NỘI
Tầng 3 - 94 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: 04.3734 1388 - Fax: 04.3737 1455

HỢP TÁC TRUYỀN THÔNG
Email: Đang cập nhật
Tel: Đang cập nhật

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Email: Đang cập nhật
Tel: Đang cập nhật

© Copyright 2019 – CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ TRUYỀN THÔNG NAM HƯƠNG
98 Lâm Văn Bền, Phường Tân Kiểng, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh.